5 LÝ DO TẠI SAO RĂNG SỮA RẤT QUAN TRỌNG
Có nhiều quan niêm sai lầm rằng răng sữa không cần được chăm sóc kỹ vì trước sau gì chúng cũng sẽ thay răng.
Răng sữa (Baby teeth, milk teeth, primary teeth, deciduous) là bộ răng đầu tiên của trẻ và sẽ rụng tự nhiên trong khoảng từ 6 – 12 tuổi.
Tôi sẽ giải thích tại sao việc chăm sóc răng sữa là rất quan trọng và tôi hy vọng điều này sẽ giúp cha mẹ thúc đẩy con mình chải răng và sử dụng chỉ nha khoa thường xuyên. Sau đây là 5 chức năng quan trọng của răng sữa
1/ Hướng dẫn cho răng vĩnh viễn mọc
Răng sữa cần thiết cho sự phát triển của xương hàm và cơ của tầng mặt dưới, vì chúng duy trì khoảng trống thích hợp trong xương hàm cho răng vĩnh viễn mọc sau đó. Trẻ bị mất răng sữa tự nhiên sẽ cho phép răng vĩnh viễn mọc lên khi chúng sẵn sàng. Nếu răng sữa mất sớm sẽ làm mất khoảng cho răng vình viễn mọc đúng.
2/ Lỗ sâu ở răng sữa có thể gây nhiễm trùng
Lỗ sâu do sự nhiễm khuẩn ở lớp men ngà của răng, nếu không điều trị thì vi khuẩn sẽ đi vào bên trong gây nhiễm trùng xa hơn như nướu hoặc mầm răng vĩnh viễn.
Nhiễm khuẩn nặng có thể tạo thành abces, gây sưng đau ở trẻ. Nhiễm khuẩn có thể đi vào máu hoặc một phần của cơ thể.
Hiếm hơn, nhiễm khuẩn răng có thể lan đến não gây abces não, gây tử vong.
Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng có thể giúp ngăn chặn và điều trị các lỗ sâu nhỏ trước khi chúng gây biến chứng nghiêm trọng.
3/ Phát triển thói quen răng miệng tốt ở trẻ
Việc làm quen với các thói quen tốt thường dễ dàng hơn khi chúng ta còn nhỏ. Đó là lý do tại sao chăm sóc răng miệng có thể kéo dài suốt cuộc đời nếu được quan tâm sớm từ khi trẻ còn rất nhỏ.
Răng sữa bắt đầu mọc lúc 6 tháng tuổi. Lúc này thì chỉ có cha mẹ mới làm sạch được răng của trẻ. Trẻ sẽ bắt dầu tự đánh răng lúc 3 tuổi dưới sự giám sát của người lớn. Lúc 6 tuổi, trẻ có thể tự đánh một mình.
Chỉ nha khoa sẽ bắt đầu sử dụng ngay khi có hai răng mọc kề nhau. Sẽ mất nhiều thời gian cho đến khi trẻ có thể tự dùng chỉ nha khoa một mình và cha mẹ sẽ giúp trẻ cho đến 7 – 10 tuổi.
4/ Nhai và ăn các thức ăn dinh dưỡng
Mỗi răng trong miệng đều có chức năng nhai. Răng cửa sẽ cắt thức ăn thành những mảnh nhỏ. Răng nanh giữ và xé thức ăn. Răng cối nhai và nghiền nát các mảnh còn lại.
Trẻ có nhiều lỗ sâu hoặc mất răng sữa sớm sẽ không thể ăn thức ăn một cách bình thường. Các nha sĩ trẻ em lưu ý rằng những trẻ có vấn đề về răng sữa thường thiếu cân do đau hoặc khó khăn lúc ăn. Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của chúng.
5/ Phát triển khả năng nói và cười của trẻ
Răng đóng vai trò quan trọng trong việc phát âm chữ cái. Có đầy đủ răng kể cả răng sữa hay răng vĩnh viễn, sẽ giúp trẻ có thể nói được tất cả các từ ở tất cả các ngôn ngữ khác nhau và chúng có thể giao tiếp với người khác. Mất răng sữa trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến việc phát âm.
Răng cũng là một phần của nụ cười. Nếu trẻ có những đốm sâu ở răng cửa, chúng có thể ý thức được và cảm thấy tự ti về điều đó.